2 cách để có lương hưu khi đến tuổi nghỉ nhưng chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Năm 2024, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội vẫn có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc một lần

Theo khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu.

Mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất hưởng lương hưu.

Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.

Như vậy, người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì được đóng 1 lần cho số tháng còn thiếu để được hưởng lương hưu.

Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, công thức tính cụ thể như sau: Lương hưu hàng tháng = (Tỷ lệ hưởng) x (Mbqtl).

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng, được xác định như sau:

Đối với lao động nam: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%. Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định.

Đối với lao động nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%.

Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%. Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định.

Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, được xác định theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH.

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần

Theo điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu còn thiếu không quá 10 năm đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 1 lần cho những tháng còn thiếu để hưởng lương hưu.

Căn cứ Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP thì mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, công thức tính cụ thể như sau: Lương hưu hàng tháng = (Tỷ lệ hưởng) x (Mbqtn).

Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng, được xác định như sau:

Đối với nam: Đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng, được tính thêm 2%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.

Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định.

Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì được 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng, được tính thêm 2%. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định.

Mbqtn là mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.